Những ngày này, qua những cánh đồng lúa hè thu đã chín vàng trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong cái nắng nóng gay gắt nhưng nông dân ai nấy đều hớn hở thu hoạch lúa. Nông dân phấn khởi vì nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch lúa và còn vui hơn khi lúa vụ này vừa được mùa vừa được giá.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, vụ hè thu năm nay toản tỉnh xuống giống khoảng 41.000ha lúa. Cây lúa trong vụ hè thu phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nguồn nước tưới có nguy cơ thiếu hụt do nắng nóng gay gắt kéo dài, nền nhiệt độ tăng cao so với mọi năm, là điều kiện thuận lợi phát sinh sâu bệnh. Bên cạnh đó, giá lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng so với mọi năm.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, từ giữa tháng 3/2024, ngành nông nghiệp Bình Định đã sớm xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống gieo sạ phù hợp. Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định khuyến cáo một số địa phương có nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu 2024 như thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… cần xây dựng lịch thời vụ phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, chỉ đạo gieo sạ đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng.
Những vùng có nguy cơ thiếu nước, thu hoạch lúa đông xuân xong là làm đất gieo sạ ngay lúa vụ hè thu để tận dụng nước của vụ đông xuân còn lại trên mặt ruộng. Đồng thời yêu cầu các địa phương thông báo đến nông dân tập trung gieo sạ lúa hè thu từ ngày 1/5 và kết thúc trước ngày 15/5.
Ngành nông nghiệp Bình Định cũng khuyến cáo nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa trung và ngắn ngày, thời gian sinh trưởng vụ thu dưới 105 ngày, vụ hè dưới 95 ngày. Các giống ĐV108, An Sinh 1399, Đài Thơm 8… được khuyến cáo gieo sạ trong vụ hè, còn vụ thu nên gieo sạ các giống ĐV108, ĐB6, TBR1, VNR20, Đài Thơm 8…
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Bình Định chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa nước rà soát, tính toán phương án cấp nước cho cây lúa. Trong đó, quyết liệt khoanh vùng và chủ động thông báo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng không đủ nước tưới.
“Nhờ làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh, cung cấp đủ nước tưới và phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả nên lúa vụ hè thu năm nay sinh trưởng, phát triển tốt. Đến thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch hơn 31.400/41.000ha lúa vụ hè thu 2024, năng suất ước đạt gần 69 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ hè thu năm ngoái”, ông Kiều Văn Cang cho hay.
Vừa được mùa, vừa được giá
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo sạ hơn 7.000ha, chủ yếu là giống lúa ĐV108, BC15, Q5, TBR1… Đến thời điểm này, nông dân Tuy Phước đã thu hoạch trên 85% diện tích lúa hè thu, năng suất đạt gần 71,4 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với vụ hè thu năm ngoái. Nông dân Tuy Phước càng phấn khởi hơn vì giá lúa đang dao động ở mức cao, bình quân từ 8.500đ/kg đến hơn 9.000đ/kg (tùy giống).
Đến thời điểm này, nông dân huyện Phù Cát cũng đã thu hoạch trên 80% diện tích trong tổng số 6.700ha lúa hè thu năm 2024. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát chia sẻ: “Năng suất lúa vụ hè thu năm nay ở Phù Cát đạt 66,8 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước. Hiện nay huyện còn gần 20% diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch, tập trung ở các xã khu Đông của huyện và xã Cát Tài, dự kiến đến 20/8 toàn bộ diện tích còn lại sẽ thu hoạch xong”.
Vụ hè thu năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) gieo sạ hơn 7 sào lúa ĐV108 (500m2/sào), đến nay bà Hạnh đã thu hoạch hoàn tất 7 sào lúa, năng suất đạt khoảng 370kg/sào.
“Giá lúa vụ này được thương lái thu mua khá cao, bình quân từ 8.400 – 9.200đ/kg. Lúa ĐV108 của tôi được thương lái thu mua với giá 8.800đ/kg, đây là mức giá bà con bán cho thương lái tại nhà, còn nếu bán trực tiếp cho công ty giá còn nhỉnh hơn. Với mức giá này nông dân có lãi khá”, bà Hạnh cho hay.
“Vụ hè thu năm nay tuy thời tiết diễn biến phức tạp nhưng nhờ công tác dự báo tình hình sâu bệnh của ngành chức năng hiệu quả nên nông dân chủ động chăm sóc, phun thuốc phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, diện tích lúa bị sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu giảm rõ rệt, năng suất lúa cao hơn vụ hè thu năm ngoái”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, cho hay.