Đề án đặt mục tiêu: “Khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ – hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp”.
Cụ thể, đến năm 2023, nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón. Nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm.
Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm.
Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn).
Ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả.
Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt,… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.
Theo đó, Đề án xác định 8 nhiệm vụ cần triển khai, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón. Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ. Phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ.
Nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ quản lý địa phương. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Triển khai các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết. Thúc đẩy sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và sản xuất phân bón quy mô nông hộ. Thúc đẩy sản xuất các chế phẩm sinh học, vi sinh vật sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ.
Để triển khai hiệu quả Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn bàn phù hợp với thực tiễn.
Các Hiệp hội tham gia đề xuất, tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao; xây dựng và triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phân bón, nâng cao khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, tổ chức áp dụng các mô hình, chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; tập huấn, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam; cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối nhằm cung cấp tại chỗ, giá thành hợp lý.