Nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.
Nhiệm vụ hết sức cấp thiết
Ngày 7.12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung ký phê duyệt Quyết định số 5190/QĐ-BNN-BVTV về Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
“Đây là nhiệm vụ hết sức cấp thiết”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Theo Bộ Nông nghiệp, trong 30 năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa trên phân bón hoá học do áp lực thâm canh tăng năng suất và tính tiện dụng trong lưu thông, sử dụng như gọn nhẹ, tác động nhanh đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Tuy nhiên, hầu hết nông dân sử dụng phân bón chưa hợp lý, mất cân đối và thường bón phân hóa học với liều lượng cao hơn nhiều so với khuyến cáo, nhất là khi giá nông sản tăng cao nhằm đạt năng suất và thu nhập tối đa.
Thống kê cho thấy, lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn/năm và 75% trong số đó là phân bón vô cơ.
Về liều lượng, Việt Nam đang sử dụng với mức bón cao hơn nhiều quốc gia, và gấp 3 lần trung bình của thế giới. Tình trạng bón phân mất cân đối, không đảm bảo nguyên tắc “5 đúng” là nguyên nhân chính dẫn tới hiệu suất sử dụng phân bón còn thấp và chỉ đạt 40 – 45% đối với phân đạm, 25-30% đối với phân lân và 55-60% đối với phân kali.
Điều này không chỉ gây thất thoát về kinh tế mà còn làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm), tăng phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.
Các nghiên cứu đều cho rằng, để sản xuất bền vững cần bón cân đối dinh dưỡng từ cả nguồn hữu cơ và vô cơ. Hai nguồn phân bón này đồng thời còn hỗ trợ nâng cao hiệu quả của nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 – 25% nhu cầu phân hữu cơ.
Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là với khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản động thực vật và thủy sản.
Việc tổ chức khai thác tốt những nguồn nguyên liệu này có thể tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn, vừa mang lại lợi ích về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng.
Những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 44/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý phân bón, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất phân hữu cơ.
Vì vậy, nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ngày 7.12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung ký phê duyệt Quyết định số 5190/QĐ-BNN-BVTV về Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.