Xác định phát triển phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp cả về trước mắt và lâu dài, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững.
Xu hướng trong sản xuất nông nghiệp sạch
Để sử dụng phân bón tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng cao, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, nhất là tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, rác thải sinh hoạt… Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng địa phương, với nhu cầu của từng loại cây trồng, áp dụng và nhân rộng các mô hình, tiến bộ kỹ thuật như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp, khuyến khích người dân áp dụng sản xuất nông nghiệp an toàn theo đúng như khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT). Ông Trần Ngọc Sơn ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Với diện tích mô hình gần 40ha, gồm hơn 20ha rừng sản xuất, trên diện tích còn lại gia đình tôi xây dựng chuồng trại nuôi 5.000 con gà thịt/trật; hơn 2ha mặt nước nuôi thả cá, trồng hơn 1.000 gốc bưởi Diễn, hồng Hạc trì, hơn 6.000 gốc thanh long… Với khoảng 150 tấn phân gà mỗi năm, ngoài bán ra, tôi giữ lại làm thức ăn cho cá, ủ hoai mục làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng, góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi thấy rằng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, không làm ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm làm ra sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cao hơn và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là xu hướng trong sản xuất nông nghiệp sạch”. Sau hơn 2 năm vừa nghiên cứu sản xuất, vừa khảo nghiệm đánh giá đầy đủ trên các loại cây trồng khác nhau, từ đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xuất bán hai nhóm sản phẩm mới, gồm phân bón NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao ra thị trường. Các sản phẩm này giúp cải tạo đất, tăng độ xốp, mùn, độ phì nhiêu của đất, tạo hệ sinh vật có lợi trong đất, kích thích rễ cây phát triển, nâng cao sức đề kháng của cây trồng trước các loại sâu bệnh, giảm lượng phân bón sử dụng, tăng năng suất và chất lượng nông sản từ 10 – 20%. Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh hiện nay theo hướng bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, bà con thường sử dụng phân bón hữu cơ được ủ từ các loại phân chuồng (phân động vật), các loại phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp (tro, lá, cành,…) hoặc từ chất thải gia súc, gia cầm, các chất hữu cơ từ rác thải trong quá trình sinh hoạt. Theo các chuyên gia, bón phân hữu cơ có tác dụng cân bằng độ pH, bổ sung những dưỡng chất bị thiếu hụt, mất đi trong quá trình canh tác và nâng cao độ tơi xốp và màu mỡ cho đất, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển, tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường. Để hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững, việc sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố then chốt. Nhận thấy những lợi ích từ sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người làm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vào mô hình sản xuất. Thực tế chứng minh, sử dụng loại phân bón hữu cơ đã giúp bà con tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để tăng cường việc phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo động lực cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các huyện, thành, thị và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở cấp tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán, sử dụng phân bón tại địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Ông Phan Văn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT cho biết: “Chi cục đã lồng ghép bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, nhất là đối với các cây trồng chủ lực như bưởi, chè, lúa chất lượng cao… để thúc đẩy sản xuất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn góp phần cải thiện chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả của sản xuất. Việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm chi phí trồng trọt, bảo vệ môi trường và tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng”. Các phòng chuyên môn của Chi cục, Trạm Trồng trọt và BVTV ở cơ sở tích cực hướng dẫn xử lý, chế biến, ủ phân từ các nguồn chất thải của các cơ sở chăn nuôi, các nguồn nguyên liệu từ trồng trọt sẵn có, trong đó chú trọng sử dụng có hiệu quả các nguồn phân hữu cơ tại các cơ sở chăn nuôi theo đúng quy trình để trở thành phân hữu cơ đảm bảo chất lượng theo quy định. Để phát triển về lâu dài, tỉnh cũng tăng cường tạo điều kiện, thu hút đầu tư, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Đẩy mạnh xây dựng, tổ chức áp dụng các mô hình, chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vận động các doanh nghiệp áp dụng cơ chế bán hàng “chậm trả” cho ngưởi nông dân để tăng cường đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phân bổ kinh phí cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ về phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Theo thống kê, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có sáu doanh nghiệp sản xuất phân bón, trong đó có bốn doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ; tám doanh nghiệp và khoảng 800 cửa hàng, đại lý buôn bán phân bón với đa dạng chủng loại về phân bón vô cơ, hữu cơ, phân bón lá và phân bón khác. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh do các doanh nghiệp sản xuất ngoài tỉnh đưa vào cung ứng trên địa bàn. Để góp phần thúc đẩy xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tạo động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các huyện, thành, thị và các ngành chức năng tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.