Khoai sọ nương cho thu nhập 120 triệu đồng/ha

Chi tiết - Khoai sọ nương cho thu nhập 120 triệu đồng/ha

Khoai sọ nương cho thu nhập 120 triệu đồng/ha

Giống khoai sọ bản địa được người Mông ở huyện Trạm Tấu trồng trên các triền núi đá với khí hậu ôn hòa quanh năm, cho chất lượng củ dẻo thơm, giàu dinh dưỡng.

Đặc sản của núi rừng Trạm Tấu
Khoai sọ có tên khoa học là Colocasia esculenta, thuộc họ ráy. Thân được chia làm hai phần, thân chính (rễ) phình to thành củ, gồm một củ cái và nhiều củ con mọc xung quanh. Phía trên là thân giả phát triển thành các bẹ lá, xếp lại với nhau. Ngoài hàm lượng lớn xơ và tinh bột, khoai sọ còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như protein, chất béo, canxi, sắt, mangan, vitamin C, vitamin E…


Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu, cây khoai sọ trồng ở địa phương là giống khoai bản địa, được người dân trồng chủ yếu trên các triền núi đá, khí hậu ôn hòa. Đất đai ở núi rừng nơi đây có nhiều mùn, khoáng chất nên chất lượng củ khoai sọ đặc biệt thơm ngon.
Bà con ở các địa phương trong huyện thường trồng khoai sọ từ giữa tháng 3 hàng năm khi thời tiết ở Trạm Tấu có mưa nhiều, đất trên nương đồi ẩm ướt. Sau khoảng 6 tháng chăm sóc, vụ thu hoạch diễn ra từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 lúc mùa mưa đã chấm dứt.
Khi lá khoai sọ chuyển sang màu vàng và khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột cao, hương vị củ thơm ngon, có thể thu hoạch. Củ khoai tròn, vỏ mỏng, bên trong trắng ngần, bên ngoài còn nguyên lớp đất mùn đen của những nương đồi vùng cao. Khoai sọ nương Trạm Tấu củ nhỏ, ăn dẻo thơm, đậm vị và có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng để luộc, nấu canh, làm bánh…
Trước đây, đồng bào Mông ở Trạm Tấu trồng khoai sọ mang tính tự cung tự cấp, chủ yếu để làm thức ăn cho người và gia súc chứ không kinh doanh nên hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị hàng hóa của khoai sọ nên huyện xác định phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, từng bước tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha


Khoai sọ được chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ năm 2019, huyện Trạm Tấu bắt đầu vận động đồng bào trồng khoai thành vùng hàng hóa tập trung. Ban đầu trồng 45ha ở các xã Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau.
Năm 2021, huyện đã triển khai dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ với chủ trương đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng khoai sọ nhằm từng bước phát huy lợi thế cây trồng chủ lực của địa phương.
Từ đó, mỗi năm các địa phương đều hỗ trợ, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích. Đến năm 2023, toàn huyện có khoảng 600ha, sang năm 2024 tổng diện tích được nâng lên khoảng 800ha. Hiện nay đang vào giữa vụ thu hoạch, theo dự báo, năm nay đồng bào Mông trong huyện được mùa khoai sọ với năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 11.000 tấn, giá trị trên 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, được chắt lọc từ những tinh túy của đất trời cùng với văn hóa trồng khoai của đồng bào Mông vùng Tây Bắc nên khoai sọ Trạm Tấu đã trở thành sản vật ở vùng núi cao này.
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm khoai sọ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm…
Với năng suất ổn định 14 tấn/ha, trừ chi phí sản xuất, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân trên 120 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo.


Để nâng cao thu nhập từ cây khoai sọ, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã vận động nhân dân thu hoạch khoai đúng tuổi và lựa chọn những ngày thời tiết nắng ráo để thu hoạch. Trong quá trình thu hoạch, vận động người dân sơ chế, nhặt rễ, làm sạch đất, phân loại khoai có chất lượng, đều củ để bán, từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Ngoài ra, chính quyền huyện tiếp tục chú trọng xúc tiến quảng bá, đưa sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vào các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử. Hiện sản phẩm đã có mặt tại các kệ hàng ở các siêu thị lớn ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Lâm Đồng…
Các ngành chức năng địa phương cũng đang tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi tiêu thụ, thiết kế bao bì, mẫu mã, sơ chế, bảo quản để nâng cấp sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 5 sao, hướng tới xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
1 giờ livestream bán hơn 5 tấn khoai sọ
Mới đây, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với Sendo Farm tổ chức buổi livestream giới thiệu về sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu tại nương khoai sọ của gia đình anh Chớ A Lử (thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ).
Chị Lương Thị Thiên Hương, quản lý phòng mua hàng của Sendo Farm cho biết, với mục đích giúp đỡ bà con đồng bào Mông ở Trạm Tấu đưa sản phẩm khoai sọ nương đến tay người tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc, chỉ trong hơn 1 giờ livestream, khách hàng đã đặt mua hơn 5 tấn khoai với giá cao. Sau buổi livestream, đơn vị dự kiến sẽ tiêu thụ thêm khoảng 10 tấn.
Qua buổi livestream, khách hàng được xem trực tiếp nương khoai, cách thu hoạch sản phẩm của bà con. Sản phẩm được livestream ở nương khoai sọ nào thì đơn vị sẽ lấy hàng từ nương đó để giao cho khách hàng, đảm bảo đúng chất lượng, yêu cầu và giữ chữ tín. Đây cũng là giải pháp nhanh nhất giúp bà con đưa sản phẩm của mình đã đến với người mua trên mọi miền đất nước thông qua công nghệ số, góp phần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.


Anh Chớ A Lử ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ phấn khởi cho biết: “Gia đình có gần nửa ha trồng khoai sọ được chuyển đổi từ nương ngô trước đây. Những năm trước, đến vụ thu hoạch, 2 vợ chồng cứ đào khoai cho vào bao chở bằng xe máy ra chợ bán, giá cả bấp bênh. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, thương lái đến tận nương thu mua.
Vụ này, được các bạn của Sendo Farm giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm qua điện thoại thông minh, bà con mừng lắm, không còn lo về giá bán nữa. Đây sẽ là kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, từ nay chỉ lo trồng và mở rộng thêm diện tích thôi”.
Với sản lượng hàng chục nghìn tấn, huyện Trạm Tấu đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để tiêu thụ khoai sọ cho người dân. Trong đó, việc bán hàng trên các mạng xã hội, trang thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng. Thông qua hình thức này, sản phẩm được quảng bá đến đông đảo cộng đồng khách hàng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Sản phẩm nổi bật

Xem sản phẩm dành riêng cho bạn
Danh mục SP - 1

Danh mục SP - 1

Danh mục SP – 2

Danh mục SP – 2

Sản phẩm Liên Doanh

Sản phẩm Liên Doanh

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Bón phân theo nguyên tắc 4 đúng

Bón phân theo nguyên tắc 4 đúng

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU 50% DIỆN TÍCH TRỒNG TRỌT SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU 50% DIỆN TÍCH TRỒNG TRỌT SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP XANH, SẠCH, BỀN VỮNG BẰNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP XANH, SẠCH, BỀN VỮNG BẰNG PHÂN BÓN HỮU CƠ