Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Hội quán sầu riêng Bàu Đồn và Công ty Đức Thành vừa tổ chức hội thảo về phát triển bền vững cây sầu riêng.
Tham dự hội thảo có ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cùng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất sầu riêng.
Canh tác hữu cơ, tỷ lệ loại A đạt 70 – 80%
Theo bà Phạm Hồng Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, Tây Ninh), Hội quán sầu riêng Bàu Đồn có 30 thành viên với tổng diện tích sầu riêng trên 45ha. Hiện các thành viên Hội quán đã và đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho hội viên.
Hội quán có 2 vùng trồng đã được cấp mã số và có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua việc liên kết chuỗi với 2 doanh nghiệp gồm Nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu – Chi nhánh Công ty TNHH Trinity Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ngoài ra, sản phẩm sầu riêng của Hội quán còn được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Trong niên vụ sầu riêng 2023 – 2024 (niên vụ sầu riêng tại tỉnh Tây Ninh đã kết thúc), đa số nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Bàu Đồn – thủ phủ sầu riêng của tỉnh đạt lợi nhuận cao, người dân phấn khởi.
Được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện, sản phẩm sầu riêng của Hội quán hiện đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGAP, được cấp nhãn hiệu tập thể, có thể truy xuất nguồn gốc…
“Mặc dù sầu riêng Bàu Đồn đang có năng suất, chất lượng và tình hình tiêu thụ rất tốt nhưng về lâu dài, cần phải quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu để việc tiêu thụ không chỉ là nông dân tìm đến doanh nghiệp, người tiêu dùng mà ngày càng có nhiều đơn hàng chủ động, doanh nghiệp tìm đến đặt hàng vì thương hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn”. Để nhãn hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn” không chỉ dừng lại ở việc đặt một cái tên”, bà Phạm Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Đinh Văn Chữ – một nông dân với 33 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng và là tỷ phú sầu riêng của tỉnh Tiền Giang chia sẻ việc lựa chọn giống, cách quản lý đất và dinh dưỡng hợp lý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, quản lý sâu bệnh và thiên địch một cách cân bằng… nhằm hướng tới phát triển sầu riêng hữu cơ, bền vững.
Theo ông Chữ, việc phát triển sầu riêng hữu cơ là một xu hướng nhằm đảm bảo sản phẩm sầu riêng không chỉ có chất lượng cao mà còn thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Để đạt được điều này, cần tuân thủ các nguyên tắc canh tác hữu cơ và quản lý nông trại một cách bền vững.
“Với mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tỉ lệ quả loại A – loại có thể xuất khẩu và giá trị cao nhất có thể đạt từ 70 – 80%. Đặc biệt, việc phát triển cây sầu riêng bền vững sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân và xã hội”, ông Chữ chia sẻ.
Trách nhiệm với môi trường và cộng đồng
Bà Lê Thị Mai Huyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Thành cho rằng, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để trở thành một vùng chuyên canh sầu riêng hàng đầu. Tuy nhiên, để đạt được năng suất và chất lượng cao nhất, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thân thiện với môi trường là vô cùng quan trọng.
Bà Huyền chia sẻ: Là doanh nghiệp tại địa phương với hơn 35 năm sản xuất phân bón và thuốc BVTV, với tâm huyết cho nền nông nghiệp bền vững, Công ty luôn mong muốn góp phần phát triển nông nghiệp Tây Ninh, đặc biệt là cây sầu riêng.
“Công ty cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng cao, không chỉ giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà còn đảm bảo môi trường đất và nước được bảo vệ lâu dài. Đây không chỉ là chiến lược phát triển kinh doanh, mà còn là trách nhiệm của chúng tôi đối với cộng đồng và môi trường.
Với định hướng này, chúng tôi tin rằng cây sầu riêng tại Tây Ninh sẽ không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân”, bà Huyền nhấn mạnh.
Tại hôi thảo, ông Ngô Văn Chánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã chia sẻ về xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Chánh cho biết sầu riêng Việt Nam hiện được đánh giá cao về chất lượng, giá cả vụ vừa qua ổn định hơn so với niên vụ trước. Các đối tác Trung Quốc hiện yêu cầu sầu riêng Việt Nam phải tuân thủ theo tiêu chuẩn như của Thái Lan. Năm nay, chất lượng sầu riêng tại các vườn trồng đã được cải thiện rất tốt, lượng xuất khẩu tăng và còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững, điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Ngô Văn Chánh đề xuất các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp thu mua để giải quyết đầu ra bền vững cho sầu riêng, từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân.
“Ngoài ra, cần hỗ trợ các vùng trồng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký được kiểm tra sớm, cải thiện chuỗi liên kết và giải quyết nguồn hàng sầu riêng để mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Ngô Văn Chánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng, tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, đặc biệt là giống sầu riêng Ri6 và Dona. Mùa vụ sầu riêng ở Tây Ninh muộn hơn các tỉnh Tây Nam bộ nhưng sớm hơn Tây Nguyên, nhờ đó, tỉnh có thể chủ động cung ứng cho thị trường vào những thời điểm thuận lợi.
Tây Ninh cũng ít chịu ảnh hưởng từ thiên tai, không bị hạn hán hay bão lũ thường xuyên. Đặc biệt, tỉnh có tầng đất canh tác dày, nhiều đất thịt và đất đen màu mỡ, khả năng thoát nước tốt, cùng với hệ thống tưới tiêu được quy hoạch bài bản, rất phù hợp để trồng cây sầu riêng.
“So với nhu cầu tiêu thụ sầu riêng trong tỉnh, diện tích trồng sầu riêng tại Tây Ninh hiện vẫn chưa lớn. Việc chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao hơn là hướng đi tốt trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng cần phải tuân theo định hướng, phù hợp với thổ nhưỡng, áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững cả về sản xuất và tiêu thụ”, ông Xuân nói.
Tại hội thảo, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, mới đây Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết 3 nghị định thư, trong đó có nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
“Việc mở cửa thị trường cho sầu riêng đông lạnh không chỉ giúp đa dạng hóa quy trình chế biến mà còn giảm áp lực về mùa vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Viết Bình nhấn mạnh.