Ở xã Minh Đức, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ông Thân Văn Sách là người nổi tiếng, nhiều người chỉ cần nhắc tên là biết nhà ở đâu và làm gì. Điều này không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình dài, từ cơ duyên hiếm có ông Sách phát triển mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả, đem lại nguồn kinh tế cao không chỉ cho gia đình mà còn cho hàng xóm, cho người nông dân khắp nơi trong cả nước trong hệ sinh thái của mình.
Ở độ tuổi xế chiều, ông Thân Văn Sách vẫn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn, “luôn tay luôn chân” làm đủ mọi việc từ chăm sóc cây ngoài vườn cho đến sơ chế, đóng gói, thu mua và bàn giao dược liệu cho các đơn vị. Để bắt đầu câu chuyện, ông Sách kể lại cho chúng tôi nghe về thời điểm hơn 30 năm trước, khi ông ở giữa lằn ranh sinh tử.
“Trước đây tôi làm công việc nấu thép tại Thái Nguyên, vào giai đoạn 1988-1989, tự nhiên tôi cảm thấy đau nhức sống lưng, đi lại khó khăn, thậm chí nhiều lúc chỉ nằm yên 1 chỗ. Lúc đó bác sĩ chuẩn đoán bị thoái hóa đốt sống, buộc phải nằm viện liên miên. Tình cờ tôi có người quen đưa cho nắm cây thanh ngân sử dụng, may mắn làm sao hiệu quả và tình trạng bệnh dần được cải thiện”, ông Sách bồi hồi kể.
Sau khi thấy được công dụng, ông Sách quyết tâm tìm ra hoạt chất, tính năng của loại cây này để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Trong giai đoạn năm 2002, ông Sách lặn lội lên Hà Nội, tìm đến các viện nghiên cứu dược liệu để phân tích. Cũng từ đó, cuộc đời của ông Sách chính thức gắn với dược liệu.
Từ một người chưa từng học về dược liệu, thời điểm đó, ông Sách tự mày mò về công dụng các loại cây dược liệu, đồng thời tìm cách để nhân giống cây trồng. “Tôi tự đọc sách, tìm hiểu và nhờ các thầy trong viện nghiên cứu dược liệu chỉ bảo. Đến nay tôi có thể nhớ được chính xác hơn 1.000 loại dược liệu, chỉ cần nhìn là đọc được công dụng. Sau đó, tôi dần kết nối được cùng viện nghiên cứu và các công ty để cung cấp dược liệu”.
Mãi đến năm 2007, ông Sách mới chính thức mở rộng quy mô trồng và sản xuất. Nhớ lại thời điểm đó, ông Sách không khỏi nghẹn ngào, bởi lẽ khi ấy gia đình ông nghèo nhất khu vực mà lại đông con cái, “khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều khi ngủ dậy thấy mọt rụng đầy mặt vì nhà xuống cấp quá”. Với quyết tâm phải thoát nghèo, ổn định cuộc sống cho vợ con, ông Sách ngày ngày nỗ lực, miệt mài nghiên cứu, học hỏi.
Sau 17 năm phát triển, đến nay Hợp tác xã Khánh Hoa của ông Thân Văn Sách đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hơn 20 công ty dược tại Việt Nam. Không chỉ có vùng trồng dược liệu tại Bắc Giang, ông Sách còn kết nối với nhiều địa phương trong khắp cả nước như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Hà Tĩnh… để trồng dược liệu, tổng diện tích đạt khoảng 200ha với 30 loại dược liệu khác nhau.
Làm giàu, tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu
Với mô hình trồng dược liệu của mình, đến nay ông Sách đã tạo ra kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân, từng bước giúp cuộc sống người dân ổn định, ấm no. Theo chia sẻ, nguồn thu nhập từ cây dược liệu cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa, đặc biệt không phải mất thêm chi phí để mua phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, ông Sách lo từ đầu vào đến đầu ra, bao tiêu cho sản phẩm nên người dân hoàn toàn yên tâm.
Từ khi biết đến mô hình trồng dược liệu này, ông Thân Thế Minh, hộ dân trong xã Minh Đức đã tin tưởng và mạnh dạn trồng theo, đến nay mỗi sào cho thu hoạch từ 12-15 triệu đồng/năm. “Hiện nay tôi đang trồng 8 sào cây kim tiền thảo, mỗi năm cho thu hoạch 4 lứa. So với trồng cây lúa, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao mà cách trồng lại đơn giản, chỉ cần nguồn đất đảm bảo là cây sinh trưởng khỏe, không bị ảnh hưởng bởi sâu hại”, ông Minh chia sẻ.
Cùng với việc nhân giống và mở rộng diện tích nhiều loại cây dược liệu, ông Sách còn nghiên cứu thành công 2 sản phẩm là viên giải độc gan An Xoa và viêm xương khớp Thanh Ngâm. Hai sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Mô hình trồng dược liệu của Hợp tác xã Khánh Hoa được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế chủ lực trên địa bàn xã Minh Đức. Ông Thân Quang Huy, cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Minh Đức thông tin: “Hợp tác xã đang làm rất tốt trong việc sản xuất dược liệu, thu mua và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn. Mô hình có tiềm năng phát triển rất tốt để nhân rộng trên địa bàn, từ đó giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP giúp xã đạt tiêu chí về đích nông môn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu”.
Trong thời gian tới, ông Thân Văn Sách mong muốn mở rộng liên kết cùng với nhiều hộ dân để tạo thêm công ăn việc làm, giúp người dân thoát nghèo, phát triển bền vững, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. “Bên cạnh việc phát triển kinh tế từ dược liệu, tôi hy vọng rằng sẽ đóng góp được một chút công sức nhỏ bé vào việc gìn giữ, nhân giống nhiều dược liệu quý của Việt Nam, góp phần bảo tồn những loại giống quý cho mai sau”, ông Sách bày tỏ.
Theo phòng Kinh tế thị xã Việt Yên, trồng dược liệu góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh của địa phương làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Mô hình trồng cây dược liệu tại hợp tác xã Khánh Hoa phát triển rất tốt, có thể nhân rộng trên địa bàn. Nhiều hộ dân trong xã Minh Đức chuyển sang trồng cây dược liệu cung cấp cho hợp tác xã với thu nhập cao, ổn định hơn hẳn so với một số loại cây trồng truyền thống trước đây.
Đất đai và khí hậu của tỉnh Bắc Giang phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau. Hiện toàn tỉnh có gần 670ha cây dược liệu lâu năm và hàng năm, tập trung ở các huyện như: Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên,… Nhiều loài cây thuốc đã được trồng ở tỉnh như ba kích, trà hoa vàng, đinh lăng, nhân trần, sâm nam núi Dành, sâm cau, địa liền, kim tiền thảo,…