Giá sầu riêng xuất khẩu cũng tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 4,3-4,5 USD (110.000-115.000 đồng) một kg, tùy thị trường. Hiện giống Monthong được ưa chuộng nhờ chất lượng cao, hạt lép, mùi thơm ngon và không bị nhão. Thời gian bảo quản của loại này cũng dài hơn so với Ri 6 và các giống khác.
Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%. Thị trường Thái Lan đứng thứ hai, với 47 triệu USD, tăng 90,5% so với nửa đầu năm 2023.
Ngoài hai thị trường lớn này, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường mua sầu riêng Việt. Nhật Bản chi 2,6 triệu USD, Campuchia chi 1,6 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 và 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả. Vụ mùa ở Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 10 dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Đến cuối năm, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam và cải thiện đời sống nông dân.
Cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài ra, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh khác cũng sẽ được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu thời gian tới.
Tuy nhiên gần đây, nhiều lô sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo nhiễm chất cấm. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân và trao đổi với phía Trung Quốc.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy không có nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng này. Do đó, nhà chức trách đề nghị doanh nghiệp và thương lái tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong thu mua, đảm bảo thu mua đúng mã vùng trồng và các cơ sở đóng gói phải theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu để duy trì vị thế và có thể vươn lên dẫn đầu.