Mấy chục năm trước, ông Mai cùng gia đình lên vùng đồi núi hoang vu của thị trấn nông trường Việt Trung để khai khẩn, phát bờ bụi trồng khoai, sắn để sống. Dần dà, ông có gần 40ha đất đồi, khi có chút kinh tế, ông chuyển sang trồng cây cao su.
“Cũng được chục năm cây cao su có giá trị. Nhưng rồi bão gió chà đi xát lại liên tục làm vườn cao su bị gãy, đổ la liệt, giá cao su lại tuột dốc nên vườn cao su trở nên hoang tàn” – ông Mai kể lại.
Những năm sau đó, ông tìm hiểu để trồng các loại cây như dứa, sắn nguyên liệu… nhưng cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi hay tin Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh mở lớp tập huấn trồng cây có múi, ông theo học để biết.
Có chút ít kiến thức về trồng cam trên vùng đồi, ông Mai khăn gói ra các vùng miền tây các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An… xem bà con ở đó trồng cam và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Để cải tạo đất và chống xói mòn, ông Mai “khuyến khích” cỏ mọc dày lên rồi dùng máy cắt chứ không diệt sạch như trước đây. Sau đó, ông mua giống cam V2, cam Khe Mây, cam lòng vàng trồng thử trên diện tích khoảng 2ha.
Ở những vùng đồi, ông Mai quy hoạch từng lô cam tách biệt bởi những lối đi rộng chừng 4 – 5m. “Vừa để đi lại, vận chuyển phân bón hay thu hoạch cho thuận tiện khi mình dùng cơ giới. Đồng thời chia khoảng cách như vậy cũng để ngăn chặn lây lan nếu có sâu bệnh hại cây cam” – ông Mai nói.
Giữa những thảm cỏ, ông Mai đào hố trồng cam và không quên bón phân cho cỏ. Khi cỏ lên cao, ông chạy máy cắt, thân cỏ rãi đều để vừa phe phủ giữ ẩm đất, cỏ mục dần giúp bồi bổ hữu cơ cho đất, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển. Quanh gốc cam được bón phân hữu cơ rải đều lên mặt đất và tưới nước nhỏ giọt để phân ngấm dần vào đất, vừa nuôi cây vừa tăng độ phì nhiêu cho đất.
Nhờ chú trọng giải pháp canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên vào mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng kéo dài, vườn cam vẫn xanh mướt, chỉ có các thảm cỏ thì khô héo. Ông Mai bảo: “Không lo đâu, mùa nào có cỏ mùa đó. Chỉ cần có trận mưa là cỏ lại lên xanh ngay thôi”.
Vườn cam nhà ông Mai chăm bón theo quy trình hữu cơ nên xanh tốt, vượt hơn hẳn so với các vườn cam khác trong vùng. Cây nào cũng sum suê cành lá, trái trĩu cành.
Khi những lô cam ngọt đầu tiên được thu hoạch, ông Mai biết mình đã chọnh đúng hướng với cây cam trên vùng đồi. Ông tiếp tục mở rộng vườn theo quy trình canh tác đã chọn với diện tích tăng dần lên 4ha, 6ha… chứ không tăng ồ ạt.
“Làm như vậy là để kiểm soát được quá trình canh tác, hoặc khi ta chuyển đổi giống mới, cải tạo vườn thì cũng có thời gian, nhân công và đảm bảo năm nào vườn cũng có sản phẩm để cung cấp cho thị trường” – ông Mai bộc bạch.
Hiện tại, trang trại ông Mai đã có hơn 6ha cam trong kỳ thu hoạch với các giống chất lượng cao, giá bán cao trên thị trường như cam giòn, cam mật, cam đường canh. Khi những vùng cam trồng đã lâu, ông Mai cải tạo vườn và thay thế bằng những giống cam mới có chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Ba năm gần đây, do cam ở độ tuổi sung sức và chăm bón tốt nên tổng sản lượng cam thu hoạch của trang trại đạt cao. Trung bình mỗi ha cam cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả chín chất lượng cao.
“Trung bình mỗi vụ trang trại tôi thu hoạch khoảng 120 tấn cam ngọt cung ứng ra thị trường. Giá bán cho các thương lái khoảng 20 ngàn đồng mỗi kg và bán lẻ thì giá cao hơn” – ông Mai nói thêm.
Ông Mai cho biết gia đình có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm từ cây cam.., trừ chi phí còn lãi trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm. “Vườn cam canh tác theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ nên từ đầu vụ đã có nhiều thương lái đến đặt mua với số lượng lớn” – ông Mai cho biết.
Không chỉ trồng cam, trên vùng đất đồi, ông Mai còn cải tạo đất và khoanh vùng để trồng tiêu. Ông Mai bảo: “Trên vùng đồi này, gia đình tôi trồng gần 4ha cây tiêu. Đó cũng là cách đa dạng cây trồng để tăng hiệu quả sản xuất”.