Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững

Chi tiết - Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững

Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững

Mục lục

TÂY NINH Sắn là cây trồng chủ lực tại tỉnh Tây Ninh. Trong bối cảnh đất trồng sắn bị thoái hóa, bồi bổ đất khỏe là một trong những giải pháp giúp canh tác sắn bền vững.

Bệnh lở cổ rễ ngày càng phức tạp

Tỉnh Tây Ninh có điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước tưới dồi dào nên thuận lợi phát triển cây sắn. Hiện diện tích trồng sắn của tỉnh này trên 62.000ha, lớn thứ hai cả nước sau Gia Lai nhưng năng suất đứng đầu cả nước.

Tuy nhiên, việc tăng diện tích, thâm canh cao đã tạo điều kiện cho nhiều sâu bệnh phát triển gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ sắn. Một trong những mối nguy hiện hữu và đang diễn biến phức tạp trên những cánh đồng sắn ở tỉnh chính là bệnh lở cổ rễ (thối củ).

Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Nghiên cứu – Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, ở Tây Ninh, trong vụ đông xuân 2023 – 2024 đã có hơn 300ha sắn bị lở cổ rễ, diện tích bị bệnh trải rộng khắp các huyện trồng sắn chủ lực như Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu và tiếp tục lây lan.

Triệu chứng điển hình của bệnh lở cổ rễ là những vết bệnh xuất hiện ở vị trí cổ rễ (phần tiếp giáp với mặt đất), sau đó lan rộng bao hết chu vi cổ rễ làm gốc thân teo thắt, nứt, chảy nhựa màu nâu đen, ướt và thối mục. Lá sắn mất màu, chuyển vàng và héo đột ngột. Bệnh phát triển lan xuống củ làm cho củ tiết ra chất lỏng có mùi hôi thối, sọc nâu đen và mục củ khi bệnh nặng.

Bệnh lở cổ rễ có thể ảnh hưởng đến cây trồng ở bất kỳ giai đoạn nào, nhất là ở những ruộng ngập úng hoặc khô nhanh và đất ít dinh dưỡng. Theo các nghiên cứu, bệnh lở cổ rễ có thể gây mất 80 – 100% năng suất. Nông dân đối mặt nguy cơ mất trắng mùa vụ khi ruộng sắn xuất hiện bệnh. Các nhà máy cũng yêu cầu sàng lọc và loại bỏ tuyệt đối những củ sắn có dấu hiệu thối dù ở mức độ nhẹ để tránh ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm sau chế biến.

Nguyên nhân của bệnh được xác định do nấm Phytopythium helicoides gây ra. Nấm này lan truyền thông qua đất, nước, gió, côn trùng, động vật và cây giống bị bệnh từ vụ trước. Khi gặp điều kiện thuận lợi như xuất hiện đối tượng ký sinh, đất có độ ẩm cao, nhiệt độ phù hợp, hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ trong đất thấp, độ pH không ổn định và sự thiếu hụt thiên địch trên đồng ruộng…, các bào tử nấm sẽ phát triển và gây hại.

Thạc sĩ Phạm Thị Nhạn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc cho biết thêm, ở Tây Ninh, cây sắn đa số được trồng thâm canh, lúc nào trên đồng ruộng cũng có vật chủ để nấm tấn công. Bên cạnh đó, nông dân thường cung cấp nước tưới bổ sung cho cây sắn, đây là hoạt động phù hợp để đảm bảo cây trồng có đủ nước cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, lượng nước tưới dư thừa khiến độ ẩm đất tăng cao, tạo điều kiện cho bào tử nấm hoạt động.

Mặt khác, việc bón chủ yếu phân vô cơ trong thời gian dài khiến kết cấu đất bị thay đổi, hàm lượng hữu cơ thấp, kết hợp cùng việc sử dụng thuốc hóa học gây tổn hại tới hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Đây là những nguyên nhân chính khiến bệnh lở cổ rễ gây hại mạnh ở Tây Ninh hơn ở những tỉnh trồng sắn khác.

“Để phòng trừ bệnh, việc bồi bổ đất khỏe là nền tảng quan trọng trong canh tác sắn bền vững. Các biện pháp sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, quản lý nước và bảo vệ đất kết hợp với luân canh và xen canh cây trồng sẽ giúp cải tạo đất trồng sắn, duy trì độ phì nhiêu và tăng năng suất trong dài hạn. Sự kết hợp của khoa học, công nghệ và thực hành nông nghiệp tốt sẽ giúp cây sắn khỏe, chống chọi được các loại bệnh, giúp nông dân canh tác sắn bền vững, bảo vệ tài nguyên đất đai và tăng hiệu quả kinh tế”, Thạc sĩ Phạm Thị Nhạn chia sẻ.

 

Nhiều giải pháp thực thi

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, năm 2014, Tây Ninh phát hiện bệnh lở cổ rễ, là bệnh mới trên cây sắn tại địa phương. Từ năm 2015 đến nay, bệnh phát sinh gây hại tại nhiều vùng trồng sắn trọng điểm và có xu hướng gia tăng cả về diện tích và mức độ gây hại.

Năm 2017, địa phương này tiếp tục phát hiện bệnh khảm lá, là một trong những bệnh hại nghiêm trọng nhất đối với cây sắn, gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng. Bệnh do virus gây ra và được lan truyền chủ yếu bởi côn trùng môi giới là bọ phấn (Bemisia tabaci).

Từ năm 2018 đến nay, Sở NN- PTNT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm Nghiên cứu – Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm các giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá, đồng thời phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá trên cây sắn nhằm giúp quản lý bệnh và phát triển cây sắn bền vững.

Kết quả, đã có nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá được công nhận như HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97. Dù các giống này đưa vào sử dụng đã có những tín hiệu khả quan, nhưng các đơn vị nghiên cứu vẫn đang tiếp tục khảo sát, tạo ra những giống sắn mới không chỉ có gen kháng bệnh khảm lá sắn mà còn có năng suất, chất lượng củ cao, có khả năng kháng – chống chịu tốt với các bệnh điển hình trên cây sắn như lở cổ rễ, chổi rồng…

Trong số đó, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu – Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đã bước đầu chọn được giống sắn HLH20-0047, qua khảo nghiệm giống HLH20-0047 có thể đạt năng suất từ 35 – 55 tấn/ha; hàm lượng tinh bột có thể đạt 28,4 – 30%. Đặc biệt, ngoài kháng 100% bệnh khảm lá, giống này còn có khả năng kháng bệnh chổi rồng và có thể canh tác được ở điều kiện ẩm ướt, kháng bệnh lở cổ rễ.

Thạc sĩ Phạm Thị Nhạn cho biết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ gây thoái hóa giống nói chung và giống sắn nói riêng. Do vậy, để có được một giống sắn mới ưu việt, việc nghiên cứu, khảo nghiệm phải qua rất nhiều bước và mất rất nhiều thời gian, trung bình phải mất ít nhất 3 – 5 năm mới chính thức chọn ra giống được công nhận.

“Với giống sắn HLH20-0047, hiện Trung tâm vẫn đang trồng khảo nghiệm, sau khi đủ điều kiện, đơn vị sẽ hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận và công bố lưu hành” Thạc sĩ Nhạn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện cây sắn đã không còn là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo mà chuyển mình trở thành cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học, tạo thu nhập cao cho nông dân. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

“Để phát triển cây sắn bền vững, Tây Ninh đã và đang tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhằm tiến hành các bước thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn Việt Nam đặt tại Tây Ninh”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết.

Sản phẩm nổi bật

Xem sản phẩm dành riêng cho bạn
Danh mục SP - 1

Danh mục SP - 1

Danh mục SP – 2

Danh mục SP – 2

Sản phẩm Liên Doanh

Sản phẩm Liên Doanh

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Bón phân theo nguyên tắc 4 đúng

Bón phân theo nguyên tắc 4 đúng

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU 50% DIỆN TÍCH TRỒNG TRỌT SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU 50% DIỆN TÍCH TRỒNG TRỌT SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP XANH, SẠCH, BỀN VỮNG BẰNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

HƯỚNG ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP XANH, SẠCH, BỀN VỮNG BẰNG PHÂN BÓN HỮU CƠ