1. Trang Chủ
  2. Góc Chia Sẻ
  3. Nông nghiệp công nghệ cao lên miền núi

Nông nghiệp công nghệ cao lên miền núi

Với mong muốn làm ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng, anh Trúc đã cất công tìm hiểu, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Lê Đình Trúc, xã Yên Thọ đã có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp. Trong bối cảnh tình trạng VSATTP đang là vấn đề gây nhức nhối, anh nhận thấy phát triển Công nghệ cao là xu thế tất yếu.

Tận dụng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng anh quyết định huy động thêm nguồn vốn, tích cực đấu mối với các doanh nghiệp phối hợp triển khai xây dựng hệ thống nhà lưới, lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5.000m2.

Mô hình chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. Anh Trúc dành ra 3/4 diện tích để tập trung sản xuất nấm đa chủng loại (linh chi, bào ngư xám, sò yến, mộc nhĩ, nấm mỡ) với quy mô 20.000 bịch/vụ. Tết năm nay, gia đình anh sẽ tung ra thị trường trên dưới 10 tấn nấm, dự kiến tổng doanh thu khoảng nửa tỷ đồng.

“Cây nấm cho giá trị kinh tế cao nhưng lại rất khó trồng, phải đặc biệt chú ý khâu xử lý tiệt trùng và chọn nguồn giống đầu vào, đồng thời cần đảm bảo cùng lúc các yếu tố về kỹ thuật, nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm. Mỗi loại nấm đều có đặc trưng riêng, do đó nếu người trồng chủ quan, lơ là thì nguy cơ thất bại là khó tránh khỏi”, anh Trúc khẳng định.

Trên 500m2 còn lại, anh Trúc tiến hành trồng luân canh các loại rau, củ, quả cao cấp để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện gia đình đang tập trung chăm sóc lứa dưa Kim hoàng hậu lứa thứ 3 trong năm để kịp thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nếu không gặp sự cố bất thường gia đình anh có thể thu về khoảng 2 tấn hàng.

Theo anh Trúc, mặc dù mới áp dụng năm đầu tiên nhưng hiệu quả của mô hình ứng dụng công nghệ cao là điều không thể phủ nhận. Hệ thống nhà màng, nhà lưới được xây dựng khép kín, chắc chắn đã hạn chế được tối đa nguy cơ dịch bệnh và những tác động khác của môi trường, giúp cây trồng phát triển ổn định, tăng năng suất, tạo cơ sở để người dân sớm thu hồi đầu vốn.

Ông chủ trẻ Đình Trúc thành thật cho biết, nếu tính cả lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp theo hình thức cơ giới hóa đồng bộ thì tổng kinh phí đầu tư đến thời điểm này đã là 4 tỷ đồng.

“Nhà nông lấy đâu ra số tiền lớn như thế, nhưng đam mê nó ngấm vào máu rồi nên dù thế nào cũng phải gắng xoay xở, vay mượn cho bằng được. Xác định làm nông nghiệp phải có đam mê thực sự, phải biết trân trọng sản phẩm của mình làm ra. Theo tôi, kinh doanh có khi thành công, có lúc thất bại, nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu”, anh Trúc tâm sự.

Với chiến lược bài bản cộng với tầm nhìn đúng đắn, thiết nghĩ anh Lê Đình Trúc sẽ còn tiến xa trên con đường mà mình đã chọn.

Xây dựng đề án sản xuất rau an toàn định hướng đến năm 2025. Đây là một trong bốn nội dung trọng tâm trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Huyện đã xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất rau an toàn được chứng nhận quy trình VietGAP tại xã Yên Thọ với diện tích trên 4ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha/vụ.


Danh Mục