1. Trang Chủ
  2. Góc Chia Sẻ
  3. PHÂN BÓN HỮU CƠ LÊN “NGÔI”: CHUYỂN GIAO ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN ĐẾN TẬN CƠ SỞ

PHÂN BÓN HỮU CƠ LÊN “NGÔI”: CHUYỂN GIAO ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN ĐẾN TẬN CƠ SỞ

Bón phân hữu cơ giúp cây trồng đảm bảo chất dinh dưỡng; nguồn đất luôn tơi xốp, không bị bạc màu, chai cứng…

HTX tiên phong

Xã Yên Cường (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là địa phương có truyền thống canh tác rau, màu từ lâu đời, nên trình độ, khả năng canh tác của người dân khá cao. Trước thực trạng đất đai bị cằn cỗi, bạc màu, chính chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, người dân trên địa bàn tổ chức sản xuất phân hữu cơ từ các loại chất thải chăn nuôi, phân gia súc, gia cầm…

HTX Nông nghiệp Bắc Cường là 1 trong những HTX đã tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia người Nhật Bản. Theo đó, các chuyên gia người Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ cho các HTX, xã viên trên địa bàn.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bắc Cường (xã Yên Cường) cho biết, HTX đã thành lập các đội thu gom (rơm, rạ), phân loại, tạo nguồn để sản xuất phân bón hữu cơ; hướng dẫn bà con nông dân phân loại rác thải hữu cơ ngay tại nhà.

Để quy hoạch gọn vùng và giảm nhân công, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu ủ phân, mua máy để trộn đảo phân, nhằm đáp ứng các tiêu chí của chuyên gia người Nhật Bản.

Nguyên liệu sản xuất 1 tấn phân hữu cơ cần 700kg phân gia súc, gia cầm và 300kg các chất hữu cơ phụ gia. Sau khi trộn đều phân với chất phụ gia, hỗn hợp phân hữu cơ được ủ lên men tự nhiên và tưới nước, trộn đảo thường xuyên.

Sau thời gian từ 3 - 4 tháng sẽ cho ra 1 mẻ phân hữu cơ không có mùi hôi, dễ phân hủy, hạn chế được nấm mốc, hiệu quả sử dụng cao trong quá trình chăm sóc cây trồng; thân thiện với môi trường, con người và giúp cải tạo, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.

Theo ông Đức, trung bình mỗi năm HTX Nông nghiệp Bắc Cường sản xuất được trên 100 tấn phân bón hữu cơ. Nhờ có nguồn phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, nên chất lượng nông sản sản xuất tại đây được nâng lên rất nhiều, giá trị kinh tế cao hơn.

Bởi vậy phong trào trồng rau, củ, quả an toàn, sạch tại xã Yên Cường phát triển khá nhanh, từ 3ha năm 2017 tăng lên hơn 20ha vào vụ xuân năm 2021. Các cây trồng chủ yếu là cải bó xôi, hành hoa Nhật Bản, bắp cải, rau muống, dưa chuột, su hào...

“Các loại rau, củ, quả được sản xuất theo vùng quy hoạch tập trung, chuyên canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sạch, sản xuất hữu cơ tuần hoàn và có liên kết bao tiêu sản phẩm. Thu nhập bình quân đạt 90 - 100 triệu đồng/ha (đối với cây trồng 1 lứa, trong 90 ngày); đối với cây trồng 2 lứa (50 ngày/lứa) thì cho thu nhập khoảng từ 150 - 170 triệu đồng/ha”, ông Đức nhấn mạnh.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Theo ông Ngô Minh Đức, hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là điều không phải bàn cãi. Ngoài nâng cao hiệu quả kinh tế, ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải bừa bãi, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu ích của người dân địa phương cũng được nâng lên.


Lượng rác thải phải chôn lấp, xử lý tại các thôn, xóm giảm 60 - 70%, qua đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí; ngoài ra giảm tải hoạt động cho lò đốt rác, nâng cao hiệu quả xử lý khu vực đốt rác của xã.

Cũng nhờ tận dụng sản phẩm phụ, rác thải mà chi phí sản xuất đầu vào phục vụ sản xuất thấp, nên khi sản xuất ra các sản phẩm cung ứng cho thị trường với giá bán hợp lý và được thị trường chấp nhận…

Tuy nhiên, vị này cho rằng, để có thể thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu, còn rất nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.

Về phía hộ sản xuất, phải mua được chế phẩm sinh học chất lượng, có diện tích chuồng trại, đất canh tác đủ lớn để tích trữ, xử lý nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc sản xuất phân bón hữu cơ mất nhiều thời gian để thu gom, xử lý, đợi nguyên liệu phân hủy. Thời gian để nhận thấy hiệu quả khi sử dụng dài nên không phải hộ nào cũng kiên trì áp dụng.

Mặt khác, không phải hộ sản xuất nào cũng đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật trộn ủ nên số lượng, chất lượng phân bón sản xuất ra không đồng đều, sử dụng không mang lại hiệu quả, gây tâm lý hoài nghi, không mặn mà khi đưa vào sản xuất...

Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh với số lượng lớn, để sản xuất ra phân hữu cơ chất lượng cần có nguồn nguyên liệu là phân nguyên chất (phân trâu, bò, lợn…) với khối lượng lớn, trong khi việc chủ động giảm đàn, thậm chí dừng chăn nuôi ở nhiều hộ dân đang xảy ra do lo ngại dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán ở mức thấp...

Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi tập trung không phải đơn vị nào cũng chú ý đến thu gom phân khô mà sử dụng phương pháp xịt rửa, đưa phân, nước thải xuống bể chứa. Những điều này vô hình trung ảnh hưởng không nhỏ tới việc ổn định nguồn nguyên liệu.

“Khi kinh doanh sản phẩm phân bón hữu cơ thực sự trên thị trường phải có cơ sở sản xuất, bao bì, nhãn mác, giấy phép lưu hành đúng theo quy định của các cơ quan quản lý chất lượng... Tuy nhiên, khi doanh nghiệp hay HTX mất nhiều công sức, chi phí để đầu tư bài bản mà nguồn nguyên liệu, thị trường không ổn định sẽ là rào cản rất lớn...”, ông Ngô Minh Đức cho biết.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết: Hiện nay, nhận thức về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ của các hộ nông dân còn hạn chế, thiếu nhân lực. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao, thời gian xử lý dài, hàm lượng dinh dưỡng thấp.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu ngày càng thiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu phi... khiến người dân chủ động giảm đàn. Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác nên chưa kích thích được người dân sử dụng rộng rãi loại phân bón này cho cây trồng…

Danh Mục