Ông Đặng Quý Nhân, tổng giám đốc Công ty CP nông sản Nam Mekong-Somekco (TP.HCM) – nhận định như trên tại Diễn đàn “Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024”, do Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức ngày 30-7.
Theo ông Nhân, các bộ ngành cần sớm có thêm giải pháp để siết chặt quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nếu vật tư đầu vào được quản lý tốt thì mới có nền tảng cho vấn đề phát triển xanh, hữu cơ.
“Gần đây nhất là trái sầu riêng nhiễm chất cadimi từ phân bón khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này gặp khó, nhiều doanh nghiệp và nông dân phải chịu thiệt hại nặng”, ông Nhân dẫn chứng.
Tương tự, ông Huỳnh Thái Nguyên, phó giám đốc Công ty CP nông nghiệp hữu cơ OAU (TP.HCM), cho rằng thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện còn có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Ngoài ra, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang rất nhiều, nếu không có giải pháp tốt, việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh tràn lan tiềm ẩn nguy cơ làm xấu môi trường đất, nước, mất an toàn thực phẩm.
“Chúng ta cứ bàn đến những điều vĩ mô, nhưng thực tế để có nền nông nghiệp bền vững, khâu quản lý cung ứng vật tư nông nghiệp, phân, thuốc đóng vai trò rất lớn”, ông Nguyên đánh giá.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay không ít doanh nghiệp công bố thành phần trong phân, thuốc không sát, không đúng sự thật, còn mập mờ. Điều này khiến nhiều nông dân bị nhầm lẫn, trường hợp tin dùng sản phẩm này có thể lãnh đủ vì nông sản nhiễm chất cấm, vượt dư lượng, không sản xuất theo đúng cam kết với người mua.
“Chúng ta cần phải tăng kiểm soát đối với các doanh nghiệp sản xuất, lưu hành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp vi phạm phải phạt thật nặng. Đây là trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Đánh giá tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hữu cơ, ông Lê Minh Dũng, chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho biết TP đã chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Đây là hướng đi phải hướng đến khi quỹ đất nông nghiệp của TP ngày càng bị thu hẹp.
Chia sẻ tại hội thảo, ThS Nguyễn Văn Ngà, phó tổng giám đốc Công ty CP Mebi Farm, cho biết gần đây mô hình nông nghiệp xanh được nhiều ngành, nhiều giới quan tâm xúc tiến để phát triển nền nông nghiệp bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn… Và trên thực tế, các nước ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm xanh, hữu cơ. Do đó khẩn trương đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là rất cần thiết.
Tại diễn đàn, mặc dù đánh giá cao những lợi ích lâu dài của nền nông nghiệp hữu cơ nhưng các nhà chuyên môn nghiên cứu cho rằng còn khá nhiều thách thức, và thách thức lớn nhất là công nghệ và vốn đầu tư. Theo đó, cần đầu tư vào công tác giống, quy trình công nghệ canh tác và công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch.
Mặt khác, để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững thì phải đầu tư ứng dụng công nghệ canh tác, nuôi trồng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn, giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Muốn đầu tư ứng dụng công nghệ thì phải có vốn nông nghiệp xanh.